Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
Hát cửa đình trong lễ Tịch điền Đọi Sơn 2009
Nằm trong chương trình tổng thể của lễ hội tịch điền, tối mùng 6 Tết Kỷ Sửu, tại đình làng Đọi Tam đã diễn ra lễ Hát cửa đình và lễ tế Thành hoàng làng để chuẩn bị cho đại lễ rước bài vị ra ruộng Tịch điền trong sáng ngày hôm sau.

alt

Ngay từ đầu giờ, CLB ca trù Thăng Long đến từ Thủ đô Hà Nội đã bắt tay ngay vào việc, chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho chương trình lễ nhạc của mình. Xưa kia, mỗi khi tế thành hoàng làng, người Việt thường mời giáo phường ca trù về làm lễ hát mở cửa đình trước khi bắt đầu lễ tế. Đây là một phong hóa ngàn đời ở vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, giờ đây đã được phục dựng lại trong nghi lễ Tịch điền Đọi Sơn. Khoảng 21g30, lễ hát mở cửa đình Đọi Tam chính thức được bắt đầu.

alt

Thật ngẫu nhiên, vào đúng giây phút mở màn, đèn điện bỗng dưng phụt tắt. Rồi dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn nến leo lét trong hậu cung, người ta nghe thấy tiếng gọi của chiếc trống đại khổng lồ làng Đọi, đối âm gióng giả với tiếng cồng linh thiêng được bố trí trang trọng 2 bên tả hữu điện thần. Tiếng trống làng Đọi vốn có tiếng từ lâu đời, bản thân chiếc trống dùng trong nghi lễ này lại là chiếc trống được thửa riêng với kích thước khá lớn, vậy nên âm thanh của nó thực sự gây chấn động mạnh trong sự hòa quyện với âm thanh trầm hùng của chiếc cồng, lừng lững, lừng lững làm rung chuyển cả bầu không gian thiêng nơi đình làng. Chừng nửa phút sau, đèn điện lại rực sáng trở lại, mọi người chợt bừng tỉnh, cảm giác hư hư thực thực, tiếng trống- cồng mỗi lúc một dồn nhanh, gọi đám đào kép ca trù Thăng Long vào làm lễ. Xưa mỗi khi đi hát cửa đình, bọn giáo phường ca trù, già trẻ thường kéo nhau đi tới mấy mươi người. Giờ đây, trước điện thần đình Đọi Tam, hình ảnh cảm động đó dường như được làm sống lại.

alt

Sau khi dâng lễ, toàn bộ đám đào kép ca trù Thăng Long đứng thành 2 hàng trang nghiêm đối mặt, với những nhạc cụ của dàn bát âm cổ truyền trong tay, bản liên khúc lễ nhạc xa xưa của người Việt được bắt đầu, thay cho lời tấu thỉnh lên đấng tối linh. Kế tiếp là màn múa hát dâng hương của 4 đào nương xinh đẹp với tiếng đàn đáy của đào đàn đầu tiên ở Việt Nam- chị Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm CLB ca trù Thăng Long. Đây là một trong những nghi thức mới được họ phục dựng trong cuộc chấn hưng ca trù, giờ mang tới Đọi Tam dâng hiến cho đại lễ Tịch điền. Rồi những bản ca trù nghi lễ nơi cửa đình như Thét nhạc, Bắc phản... lần lượt được trình tấu, kèm theo những tác phẩm nổi tiếng của tao nhân mạc khách thời xưa, dâng lên thành hoàng bản thổ nguyện cầu cho dân làng, cho quốc thái dân an. Sau màn hát múa Đại thạch của các đào nương, chuyển sang phần tế lễ của các vị bô lão làng Đọi Tam. Xưa kia, phần nghi thức quan trọng này bao giờ cũng diễn ra lúc nửa đêm. Giờ đây, cũng tương tự, màn tế của các cụ cũng cử hành vào đầu giờ Tý, tiếp ngay sau chương trình Hát cửa đình. Lúc này, toàn bộ đám đào kép ca trù Thăng Long, chuyển vị trí sang bên dàn bát bửu, chơi nhạc bát âm phụ họa với dàn nhạc tế đình của dân làng. Dù tình huống này là thật ngẫu hứng, không được sắp đặt trước, xong tất cả mọi bước đi của dàn nhạc với các trình thức tế lễ đều thật ăn khớp, rập ràng.
Tới đúng nửa đêm, nghi lễ mới kết thúc.

alt